Mấy chục thi thể được phát hiện ở nhiều địa phương trên nước Nhật, tình trạng các thi thể đều được đông lạnh khiến phía cảnh sát đặt ra giả thiết tự sát. Cùng lúc đó, xảy ra vài vụ giết người bí hiểm ở các chung cư biệt lập. Nữ cảnh sát xinh đẹp Kuroha Yuu được chuyển từ đội cơ đội sang đội điều tra án mạng để cùng đồng nghiệp hợp tác phá án. Đội trưởng của cô liên tục gây rắc rối cho cô, ngoài ra Kuroha còn bị đe dọa bởi bọn giang hồ. Trong quá trình điều tra chậm chạp, phía cảnh sát cho rằng những người tự sát bị điều khiển bởi một kẻ giấu mặt, họ hy vọng lấy cái chết của mình để xây dựng một hình tượng bướm đuôi nhạn thật đẹp đẽ, nhưng dường như tất cả họ đều đã bị lừa. Để phục vụ công tác điều tra, Kuroha tham khảo ý kiến chị của cô – vốn là một bác sĩ tâm lý…

Tuy quyển “Bướm đuôi nhạn” đoạt giải thưởng “Gương mặt mới về văn học trinh thám Nhật Bản lần thứ 12“ nhưng cá nhân Biển thấy nó không hay lắm. Có lẽ vì cách diễn đạt của tác giả cộng với cách dịch thuật khiến câu chuyện có nhiều đoạn khó hiểu đối với Biển. Không biết Biển có nghĩa sai không khi cho rằng dịch giả đã phải vật vã khó khăn khi dịch quyển này. Truyện có đề cập một chút đến thế giới ảo, được đưa vào nhiều yếu tố khoa học kỹ thuật và phân tích tâm lý nhưng thay vì tăng phần cuốn hút thì lại tác dụng ngược, khiến nội dung trở nên loãng, mơ hồ và nhàm chán.

“Rối loạn hệ viền, hoặc là rối loạn thùy trước. Đó là sự sinh ra một cách bất thường các chất hóa học bên trong bộ não, là một loại bệnh tâm thần liên quan đến các hoạt chất hữu cơ. ‘ÁC’ chính là vậy… Con người sẽ dần trở nên lệch lạc do bị tổn thương hệ viền. Nếu thùy trước bị tổn thương thì sẽ không kiểm soát được ham muốn. Nếu nồng độ chất dẫn truyền thần kinh trở nên khác thường, sẽ gây ra xung đột… Tất cả kết hợp lại sẽ sinh ra người xấu trên thế giới này”.
 Không biết có thể xem đây như giải thích khoa học về lý do tại sao có người xấu xa không nữa.

Nhân vật Kuroha Yuu khiến Biển nghĩ đến nữ cảnh sát trong “Dâu Đêm Đoạt Mệnh”. Không biết thực tế thì sao nhưng trong hai quyển trinh thám Nhật này, người đọc đều nhận thấy nữ cảnh sát trong XH Nhật vẫn còn bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ của đồng nghiệp nam, bị xem như vật trang trí / đồ chơi để xả stress chứ chưa được chân chính nhìn nhận như một cảnh sát. Bên cạnh đó, bản thân các nữ cảnh sát đó cũng chưa đủ cứng rắn, chưa có được tư tưởng độc lập để làm việc với các đồng nghiệp nam thích gây rắc rối. Dù xã hội có tiến bộ bao nhiêu, phụ nữ có học cao bao nhiêu thì đa số vẫn chưa thoát được cái vòng lẩn quẩn do chính mình và do người khác tạo ra.
Đang tải sách
Trang chủ