Hoàng Công Chất (chưa rõ ngày sinh, năm sinh), tên là Hoàng Công Thư, xuất thân trong một gia đình nghèo (gốc họ Mạc) người làng Hoàng Xá, huyện Thư trì, trấn Nam sơn hạ, nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Vũ thư, tỉnh Thái Bình. Ông là một lãnh tụ nông dân kiệt xuất, dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình Lê Trịnh cứu dân nghèo vì nghĩa lớn “Bảo Quốc an dân” diệt cường hào ác bá, lấy của giàu chia cho dân nghèo, với hoài bão xoá bỏ bất công, lập lại kỷ cương, phục hưng đất nước thống nhất giang sơn, thái bình muôn thưở.
Từ năm 1739, Hoàng Công Chất – người anh hùng áo nâu đã tập hợp nông dân nghèo nổi dậy hoạt động ở vùng Sơn Nam. Nghĩa quân có sở trường về thuật đánh du kích “Khi tan, khi hợp”. Để tăng cường lực lượng và binh chống lại triều đình họ Trịnh thời Lê mạt, từ năm 1739 đến 1741, Hoàng Công Chất luôn liên kết với các lãnh tụ khởi nghĩa nông dân khác như: Vũ Đình Dung, Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ(1) hoạt động chiến thuyền khắp vùng hạ lưu sông Hồng. Năm 1739, viên đốc lãnh Sơn Nam Hoàng Kim Tào tiến đánh nghĩa quân nhiều lần không được. Năm 1740, Trịnh Doanh chia quân ra làm 3 đạo và cử Cao Quận công Trịnh Kinh tiến đánh theo đường bộ, Trịnh quận công Hoàng Công Kỳ và Nhạc thọ hầu Phạm Trần Công cầm đầu đánh hai cánh thuỷ binh, tiến dọc hai bờ sông Hồng; về sau họ Trịnh lại cử Nguyễn Trọng Cảnh thống lĩnh cả đạo quân đóng đồn ở huyện Thượng Nguyên (nay thuộc tỉnh Nam Định) để chế ngự các mặt. Cùng năm ấy, Trịnh Doanh lại phái đốc trán Vũ Tà Liên và Đõ Doãn Thành hợp binh đánh vào Đông An, huyện Khoái Châu (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) nhưng không thắng nổi nghĩa quân.