Tác giả Hai Ruộng lớn lên từ ruộng đồng nhưng anh và cả tiểu đoàn D4 của anh đều là những học sinh sinh viên, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Sư đoàn anh được thành lập và sang chiến trường K vào tháng 3/79, khi cuộc chiến đã có phần lắng dịu. Trong hồi ức của anh, ít có những trận đánh hoành tráng, không có hợp đồng tác chiến giữa các binh chủng với hỏa lực mạnh hay tăng thiết giáp... Sư đoàn anh chủ yếu làm nhiệm vụ truy quét địch, về sau bọn Pốt thấy bóng quân ta là chạy. Có khi lỡ 'đá lông nheo' với nhau rồi thì bùng bình vài quả lấy lệ, chẳng bên nào làm sao cả.

Nhưng có một mặt trận không tiếng súng, mà lại là mặt trận rất quan trọng, như anh nói: "Muốn thắng địch thì trước nhất phải làm sao thắng được ở lòng dân, thì chúng ta mới thắng được giặc ở nơi chiến trường". Mặt trận này còn khó khăn hơn nhiều. Anh cũng tổng kết: "Muốn dân vận tốt thì phải xuất phát từ cái tâm của người chỉ huy và từng người lính".

Anh cùng đơn vị đã đào hầm hố cho người dân trước rồi mới đào cho mình, gánh nước, vét giếng cho dân, giữ nghiêm chính sách dân vận... những điều tưởng như nhỏ nhặt đó mà lại rất quan trọng và rất khó làm tốt nếu không có cái tâm trong sáng. Nhờ làm tốt công tác dân vận mà người dân từ chỗ ban đầu không cho bộ đội ở nhờ đến sau này tự động mang bầu bí, gà cho bộ đội, báo tin tức về quân Pốt cho bộ đội. Thu được lòng dân để thắng được giặc là ở chỗ đó.

Để có được cái tâm trong sáng khi làm dân vận, ngoài sự giáo dục của quân đội còn có một yếu tố quan trọng là gia đình. Anh đã trốn má tình nguyện nhập ngũ, nhưng trước khi lên đường sang K, anh về thăm, má chỉ dặn:

-Má đẻ ra con từ còn đỏ hỏn, một con kiến cắn con má cũng đau lòng, bây giờ con lớn làm trai, nhiệm vụ đối với đất nước con phải đi, trước làn tên mũi đạn, má lo lắm. Má chỉ dặn con một điều, khi cầm súng trong tay, làm gì con cũng phải giữ lấy lòng nhân đạo.

Phải chăng lời dặn đó anh còn ghi nhớ mãi, giúp anh chiến thắng.

Là người có học hành, ham hiểu biết, cái gì anh cũng tìm tòi cặn kẽ. Từ quả lựu đạn, quả cối đến cách gài mìn, đào công sự... anh có ghi lại như anh nói: để truyền kinh nghiệm cho các bạn trẻ, nếu có hiểu biết sẽ đỡ phần xương máu. Nhưng đặc biệt anh ham tìm hiểu văn hóa, đất nước, con người Kampuchia, anh đã học tiếng K và cả chữ K trong có mấy tháng đóng quân và anh trao đổi, tiếp xúc với những người trí thức dân K để tìm tới cội nguồn của những vấn đề lịch sử.

Đó cũng là một trong những lý do để các anh chiến thắng.
Đang tải sách
Trang chủ