Từ Âu học tràn khắp phương Đông, học giả phương Đông say mê theo ngọn triều Âu hoá.
Nói đến triết học thời kể những Bá Lạp Đồ (Platon), Khang Đức (Emmanuel Kant), Tô Cách Lạp Đề (Socrate), v.v... nay dẫn sách này, mai diễn thuyết nọ, mà bao nhiêu triết học sẵn có ở bên phương Đông ta, xem như một vật trong Viện Tàng cổ, mà không ai nhắc đến.
Gần đây, các nhà học giả Âu Tây, khảo sát văn hoá phương Đông, nhiều người tỏ lòng sùng bái, tìm sách xưa mà dịch ra để thu nhập tư tưởng cho học giả Âu Tây.
Xem bài Ký yết Khổng miếu của bác sĩ Ô Lư, người Pháp, thời rõ người Tây yêu chuộng triết học Đông phương là dường nào. (Bài này nguyên Pháp văn, báo Nam Phong số 83 có dịch đăng).
Ký giả có một người bạn tinh thâm Hán học, trên hai mươi năm du lịch nước Nhật và nước Tàu, cùng học giả Đông Tây giao thiệp cũng nhiều, nay tuổi đã già không muốn chen mình vào trong cuộc đời đáng chán này, xoay lại đóng cửa đọc sách, làm bạn cùng mấy bậc danh triết đời xưa. Trong lúc thong thả, nhân đem bản Chu Dịch dịch ra quốc văn, lấy tư tưởng cao thượng dung hợp mà giải thích theo lối vũ trụ quan, nhân sanh quan phát triển được nhiều tinh diệu, và thích hợp với lẽ tiến hoá.
Thuở nay nhiều người xem bộ Chu Dịch như một thứ sách chỉ dùng về việc bói, việc số đã không ích cho đời, mà lại dẫn người đời vào cõi mê tín. Nay có bản sách này, không khác gì dọn gai gốc mà thấy đường bằng, vẹt mây mù mà thấy mặt trời, làm cho chân tướng triết học của Thánh hiền Đông phương bị che lấp mấy trăm đời, nay được bày tỏ một cách sáng suốt, giá trị của bản sách này không phải là ít.
Toàn bản Chu Dịch Quốc Văn này có mười quyển nhỏ, đầu từ quẻ Càn, sau đến quẻ VỊ Tế, gồm sáu mươi bốn quẻ, Hào từ, Tượng, Soán, đều có giải nghĩa, mà binh luận một cách rõ ràng.
Hiện xã hội ta ngày nay, đối với Hán học có chiều lãnh đạm, nhất là triết học cao sâu thâm thuý như bản Chu Dịch này, lại cũng ít người muốn xem; mà có lẽ cũng ít hiểu nữa. Vì thế, nên chưa dám in vội.
Tuy vậy, ngọc ở trong đá, vàng ở dưới bùn, dầu là ít người thưởng thức đến, song cái giá trị quý báu của nó không vì cái có che lấp ấy mà tiêu mòn, mà hai mươi triệu con Hồng cháu Lạc này há lại không có người có cái ý tưởng đối với triết học phương Đông ta, mà tỏ lòng muốn bảo tồn và phát triển ra hay sao?
Kí giả nghĩ thế, nên trước hết viết mấy lời tỏ cùng đồng bào ta biết nhà Hán học ta có người học được thâm thuý, đủ tri thức mà phát triển được những học thuyết của Thánh triết xưa, để cống hiến cho kẻ hậu học, sau xin đăng bài Tựa của người làm bản sách Chu Dịch Quốc Văn ấy. Độc giả nếm một miếng cũng đủ biết mùi toàn đĩnh, còn sự ấn hành xin đợi ngày khác.