Hình như ai trong chúng ta khi đọc Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung (được Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch ra Việt ngữ dưới nhan đề “Cô gái Đồ Long”) đều tự hỏi Minh giáo có thực hay không, những bang phái, giáo hội đã sinh hoạt và ảnh hưởng thế nào trong xã hội. Theo bộ tiểu thuyết kiếm hiệp này, Minh giáo là một tôn giáo được tổ chức chặt chẽ và qui mô, đứng đầu phe tà và đã từng nhiều lần đụng độ với phe chính phái. Sự xuất hiện của họ thật kỳ bí và như một tấm màn dần dần vé lên, mỗi lúc lại cho chúng ta biết thêm một số chi tiết về hoạt động, về tổ chức cũng như về giáo qui của họ. Trong sử sách, Minh giáo cũng được nhắc đến, tuy không phong phú như những tôn giáo khác, nhưng cũng đại biểu cho một hệ thống tư tưởng, cái hệ thống nhị nguyên không những phổ biến trong nhiều cơ sở triết học của thế giới, mà lại cũng dễ dàng được quần chúng chấp nhận hơn vì phân biệt trắng đen, thiện ác, có những tiêu chuẩn nhất định không mơ hồ như hệ thống nhất nguyên. Nhìn theo quan điểm xã hội, hệ thống tư tưởng của Minh giáo lại tương đồng với Tây phương và trong một thời gian khá dài, những cơ sở đó tranh huy với những tôn giáo khác, tuy trên bình diện triết học không áo diệu bằng Phật học hay Lão học, nhưng về phương diện tổ chức, Minh giáo có tính quần chúng hơn và phát triển cũng có qui củ hơn. Chỉ về sau này, khi Nho giáo được đưa lên thành hệ thống học thuật làm thước đo cho khả năng của kẻ sĩ, đẩy lùi các tôn giáo khác ra khỏi quan trường, Minh giáo mới suy yếu và dần dần biến mất. Trong phạm vi bài này, chúng tôi sẽ đối chiếu những chi tiết mà Kim Dung đưa ra trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long Ký với Minh giáo trong sách vở để nhìn lại một vấn đề luôn luôn hiện hữu trong suốt lịch sử Trung Hoa: vai trò của tôn giáo trong các cuộc nổi dậy.
Đang tải sách
Trang chủ