Current View

Có một nhà Du lịch Việt Nam nói về bức tranh đất nước mình một cách tổng thể: “Trên dải đất hình chữ S với ba miền Bắc - Trung - Nam, từ di Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ con đường cái quan đến những định đèo chót vót chập chùng sương khói; từ những chùa chiền cổ kính cho đến những đền đài, lăng tẩm uy nghi hay từ những bờ đê vạt gót chân quê cho đến những dòng sông ngọt ngào tình tự... đâu đâu cũng toát lên vẻ lôi cuốn kỳ ảo và sự hấp dẫn lạ thường, tất cả như thôi thúc chúng ta tìm kiếm để chiêm ngưỡng kỳ công của tạo hóa, tìm về nguồn để thấy được giá trị của bản sắc văn hóa và phong tục tập quán từ ngàn xưa của dân Việt. Tất cả nhờ bàn tay gìn giữ của cha ông chúng ta, của cả một dân tộc đã trải qua hơn 4000 năm văn hiến”.

Với miền Trung, mảnh đất nhỏ hẹp và khắc nghiệt về tự nhiên nhưng có một chiều dài lịch sử đấu tranh và dựng xây đất nước đáng khâm phục và tự hào. Nét chung của du lịch các tỉnh miền Trung có đủ các loại hình từ biển xanh hiền hòa đến núi cao mây phủ và rừng quốc gia bạt ngàn, từ những di vật và địa danh xưa của người Chăm đến di tích Cố Đô, rồi di tích lịch sử cách mạng. Di tích và thắng cảnh cứ đan xen với nhau, hòa hợp với nhau làm nên bao chùm điểm du lịch thơ mộng và thi vị. Ở phần lãnh thổ này của đất nước, du khách có thể đi ngược lại lịch sử về với những thời kỳ xa xưa của các nền văn minh cổ, đồng thời cũng có thể chiêm ngưỡng ngay di tích của những gì mới xảy ra cách đây chừng trăm năm, thậm chí vài chục năm. Ở mỗi tinh có những đặc trưng riêng về tự nhiên, có những độc đáo riêng về các di tích và danh thắng. Quảng Bình anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và xây dựng mà thơ mộng, trữ tình trong ứng xử với thiên nhiên. Quảng Trị đất lửa anh hùng với bao chiến công lừng danh thế giới, ghi vào lịch sử dân tộc những trang chói ngời. Thừa Thiên- Huế “non xanh, nước biếc, điện ngọc, đền rồng “ đã trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng kể từ khi quần thể di tích Cố Đô được UNESCO xếp hạng là Di sản văn hóa của nhân loại. Quảng Nam - Đà Nẵng từ lâu vẫn nổi tiếng với các di vật và địa danh Chăm, với thị xã cổ Hội An.... Mỗi vùng đất có dấu ấn riêng của lịch sử tạo nên những cảnh quan hấp dẫn lòng người.

Và cho đến hôm nay, một đất nước Việt Nam nhỏ bé nhưng giàu tiềm năng du lịch đã có đến năm địa danh du lịch trong nước được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên – Văn hóa của Thế Giới. Trong đó có bốn Di sản thuộc miền Trung Việt Nam gồm có: Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Cố đô Huế, động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Vì thế, vùng đất này đã hình thành nên con đường Di sản, tạo thế mạnh phát triển du lịch trên “khúc ruột miền Trung”.

Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi xin mời các bạn khởi hành từ thành phố Hồ Chí Minh qua Đông Nai, Bình Thuận, kết hợp với du lịch Cao nguyên miền Trung, vành đai của Tổ quốc giáp biên giới Campuchia, làm nên một tuyến du lịch, đa dạng, phong phú.

Bằng sự tìm tòi học hỏi qua những năm tháng ở giảng đường, những tư liệu trong sách vở và sự truyền đạt tận tình của các thầy cô, cùng với việc thu thập các dữ liệu thực tế trên các tuyến điểm tham quan trong quá trình làm công tác Hướng dẫn Du lịch, cộng với những tài liệu rất quý báu do các anh chị hướng dẫn viên du lịch đồng nghiệp cung cấp chúng tôi đã hoàn thành cuốn sách này.

Tuy nhiên chắc không tránh khỏi những thiếu sót trong quá trình biên soạn, tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quý vị độc giả.

Xin chân thành cảm ơn các thầy cô phụ trách bộ môn Hướng dẫn, các anh chị hướng dẫn đàn anh, và đặc biệt xin cảm ơn các tác giả của các tập tài liệu mà chúng tôi đã tham khảo và những người góp sức hình thành cuốn sách này.

Trang chủ