Thần khúc (La divina commedia) là trường ca của nhà thơ Ý thời Trung cổ Dante Alighieri (1265-1321), là một trong số những nhà thơ kiệt xuất nhất của nước Ý và thế giới. Tác phẩm được sáng tác trong thời gian Dante bị trục xuất khỏi quê hương Florence, từ khoảng năm 1308 đến khi ông mất năm 1321, được viết bằng tiếng Ý gồm 100 khổ thơ với 14.226 câu thơ, được chia làm ba phần, mỗi phần bao gồm 33 khổ thơ: Địa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio) và Thiên đường (Paradiso). Tác phẩm được xếp vào hàng những bản trường ca vĩ đại nhất của nền văn học thế giới. Sức tưởng tượng và tính ẩn dụ về hình ảnh thế giới bên kia trong thế giới quan Thiên chúa giáo là đỉnh điểm sự phát triển nhãn quan về thế giới của Nhà thờ Thiên chúa giáo Tây Âu. Tác phẩm này cũng góp phần vào sự phát triển của thổ âm vùng Tuscane, trong vở kịch được sử dụng như ngôn ngữ Ý tiêu chuẩn.
Năm 1882, trong chuyến giảng bài vòng quanh nước Mỹ, Oscar Wilde đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy cuốn “Thần khúc” (The Divine Comedy) tại một trại phục hồi nhân phẩm ở Nebraska. “Chúa ơi! Ai có thể tưởng tượng được là lại tìm thấy Dante ở chốn này”, ông thốt lên.
Thu Hà –
Nhưng điều dễ hiểu là ở chỗ, thiên trường ca trung cổ về tội ác và sự cứu rỗi của Dante sẽ là nguồn sáng khai trí cho những con người đang trong cuộc hành trình hướng thiện. Gần đây, Jeffrey Archer, một tù nhân người Anh, đã viết 3 tập Nhật ký ngồi tù với lối kết cấu 3 phần hệt như Thần khúc của Dante: Địa Ngục, Luyện ngục (còn được dịch là Tĩnh ngục) và Thiên đường.
Thiên tài của Dante hầu như không được đánh giá xứng đáng tại các quốc gia sử dụng tiếng Anh. Lỗi này một phần do các dịch giả ở thời đại Victoria. Các giáo sĩ, công chức và những nhân vật đáng trọng khác ở thời này đã dịch những áng thơ trong suốt như pha lê của Dante thành thứ văn chương sáo ngữ mộ đạo hoặc những giáo lý đạo đức khô khan. Ngay cả Longfellow, tác giả của bản dịch được coi là ưu việt nhất, xuất bản trong khoảng 1865-1867, khi chuyển ngữ trường ca này của nhà thơ cũng phải cắt bỏ rất nhiều đoạn hoặc dò dẫm theo kiểu “word by word” (dịch từng chữ).
Trong Thần khúc, Dante đã khắc hoạ một cách chính xác những cảnh trừng phạt đầy sống động và ghê rợn: những tên buôn thần bán thánh bị đốt chân trong lửa; những kẻ cầm quyền ngang ngược bị nhúng trong đầm phân; kẻ hung ác bị luộc chín trong dòng sông sôi máu nóng, người tâm địa xấu xa bị nhấn chìm trong băng… Hơn 700 năm qua, Dante không có đối thủ trong những trang viết đề cập đến nỗi kinh hoàng nơi chín tầng địa ngục ở một thế giới khác.
Dante Alighieri sinh năm 1265 trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời tại Florence. Mẹ ông, bà Bella degli Abati, mất sớm khi nhà thơ chỉ mới 7 tuổi (1272). Cha ông lấy vợ hai nhưng cũng qua đời không lâu sau đó. Ông may mắn được Brunetto Latini nuôi nấng và đỡ đầu. Latini là một nhà chính trị, một học giả uyên bác. Ông đã dạy cho nhà thơ nhiều kiến thức phong phú về văn học La Mã và những kiến thức khoa học đương thời.
Năm 12 tuổi, Dante được hứa hôn với Gemma Donati. Nhưng trước đó, trái tim của nhà thơ tương lai đã phải lòng một cô bé khác tên là Beatrice. Lúc đó nàng mới 9 tuổi. Nhiều năm về sau, Dante gặp lại Beatrice. Ông đã làm rất nhiều bài thơ tặng nàng nhưng tuyệt nhiên vợ ông, Gemma, không bao giờ được đề cập đến trong bất cứ một bài thơ nào của ông. Beatrice mãi mãi là nàng thơ của Dante.
Cuộc hôn nhân với Gemma Donati kéo dài được 2 năm (1285-1287). Simone dei Bardi trở thành người vợ thứ hai của ông nhưng vẫn không thay thế được vị trí của Beatrice trong lòng nhà thơ. Beatrice lấy chồng và qua đời tháng 6/1290, lúc mới 24 tuổi. Dante trốn chạy nỗi buồn bằng cách lao đầu vào nghiên cứu triết học, thần học, thiên văn học và bắt đầu viết những bài thơ ghi lại hồi ức với Beatrice.
Vào cuối những năm 1290, Dante bị cuốn hút vào các hoạt động chính trị. Ông tham gia đội quan bảo vệ quyền tự trị của xứ Florence trước sức ép của chính quyền La Mã nhưng thất bại. Năm 1302, Dante bị buộc tội liên quan đến những vụ bê bối mua quan bán tước. Ông bị tuyên bố tử hình bằng cách thiêu sống. Nhà thơ trốn thoát và sau đó phải đi đày biệt xứ, vĩnh viễn để lại vợ con ở quê hương.
Từ 1302, Dante không bao giờ trở lại Florence. Ông sống lang bạt kỳ hồ qua nhiều thành phố trên nước Italy. Vào đêm 13 rạng ngày 14/9/1321, nhà thơ qua đời. Thi thể của ông được chuyển đến một nhà thờ tại San Francisco. Sau khi nhà thơ mất, giáo hoàng John XXII còn ra lệnh thiêu hủy tác phẩm De Monarchia của ông. Những trước tác còn lại của Dante được các giáo sĩ tại Francisco cất giấu. Năm 1519, Giáo hoàng Leo X quyết định giao cho Michelangelo chuyển số tư liệu này về Florence và được lưu giữ lại cho đến ngày nay.
Dante viết Thần khúc trong những ngày tháng lưu vong. Cuộc đời trôi nổi và số phận bi kịch của nhà thơ đã khiến ông sáng tác nên những câu thơ vừa giàu giá trị triết học, tôn giáo vừa thể hiện rõ thế giới tinh thân phong phú của con người. Ông là một trong những người khép lại thời kỳ trung cổ và mở ra cánh cửa của thời đại Phục Hưng.
GS NGUYỄN VĂN HOÀN VÀ 30 NĂM DỊCH ‘THẦN KHÚC’
‘Liều’ dịch ‘Thần khúc’ vì quá đam mê ngôn ngữ và văn học Italy; miệt mài nghiền ngẫm suốt 30 năm vì đối diện với một tác phẩm quá khó, GS Nguyễn Văn Hoàn cuối cùng cũng đã mang đến cho độc giả VN bản dịch tiếng Việt đầy đủ đầu tiên kiệt tác của Dante Alighieri.
Thần khúc bản tiếng Việt của GS Hoànđược Đại sứ quán Italy ở VN giới thiệu chiều 16/11/2009 tại Hà Nội. Đại sứ Italy Andrea Perugini phát biểu: “Thật là vui mừng và biết ơn đón nhận bản dịch của Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn. Ông đã thực hiện việc dịch hoàn chỉnh sang tiếng Việt lần đầu tiên một trong những kiệt tác văn học của mọi thời đại”.
Là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của nhân loại, Thần khúc của Dante gồm 100 khúc, 14.226 câu thơ được chia làm 3 phần: Địa ngục, Tĩnh thổ và Thiên đường. Địa ngục, chia làm 9 khu, là những cuộc gặp gỡ của nhà thơ (đóng vai nhân vật chính trong tác phẩm) với đủ loại tội nhân, từ tham nhũng, dâm ô, trụy lạc đến những kẻ tư thông, bội phản… Tùy tội nặng nhẹ khác nhau, tất cả đều phải chịu những cực hình ghê sợ.
Phần 2 – Tĩnh thổ – diễn ra tại một ngọn núi ở tận cực Nam của trái đất, là nơi có 7 tầng, tượng trưng cho bảy trọng tội theo quan niệm của Cơ đốc giáo. Tĩnh thổ là nơi các tội nhân suy tư sám hối. Còn phần 3 – Thiên đường, gồm 9 tầng – là sự tưởng tượng của Dante về những người được Thượng đế lựa chọn.
Ra đời cách đây 7 thế kỷ, Thần khúc được đánh giá là một tác phẩm tổng hợp những kiến thức triết học – nghệ thuật của văn hóa trung cổ, đồng thời là điểm kết nối với thời đại Phục hưng, bắt đầu từ chính Italy.
Dịch giả cuốn sách cho biết, để vượt qua những khó khăn này, ông vừa dày công nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Italy; vừa huy động vốn ngoại ngữ tiếng Pháp của mình; đồng thời đối chiếu cùng lúc với nhiều bản dịch các ngôn ngữ khác nhau của những người đi trước. “Sau khi dịch xong phần thứ nhất – Địa ngục – tôi tự hào cho rằng, thế là mình dễ dàng thừa thắng xông lên với hai phần còn lại. Nhưng không ngờ, càng dịch tôi càng thấy khó”, ông kể.
Cứ như thế, kiệt tác nổi tiếng này đã ngốn hết của GS Hoàn 30 năm ròng rã. “Tất nhiên, trong 30 năm đó, tôi cũng còn nhiều công việc khác. Nếu dồn lại, chỉ chuyên tâm dịch Thần khúc, tôi áng chừng sẽ mất khoảng 5 năm”, ông nói.