Mở đầu bằng mối giao tình giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Kết thúc bằng cái chết của Nguyễn Tuân. Giữa hai nhà văn đó là những kiếp nhân sinh chập chờn như những bóng ma trơi. Giữa hai nhà văn đó là không khí ngột ngạt của văn nghệ, kháng chiến, cách mạng và chính trị. Giữa hai nhà văn đó, cho tới khi có một người nằm xuống, đã một nửa thế kỷ trôi qua...
Cuốn sách mở đầu bằng một câu thật giản dị: “Tôi kém Nguyễn Tuân mười tuổi. Trước kia tôi không quen Nguyễn Tuân.”
Những dòng chữ mở đầu tưởng chừng hờ hững kia gợi liên tưởng tới hàng triệu con người ta đã bắt gặp trên sân khấu cuộc đời. Nhưng rồi đám đông chung quanh nhòa dần đi, ánh sáng chỉ vừa vặn soi đủ một thân hình. Ông ta còn trẻ, mắt sáng, tóc hớt cao, áo quần giản dị. Ông ta hiền lành, ngơ ngác như một con dế... Tiếng gáy đầu đời của một anh dế nghe mới vui vẻ làm sao; nó rộn ràng, háo hức, nó mơ mộng đến những cung đường xa. Nhưng đường bay của một cánh dế phỏng có là bao so với không gian bao la, bát ngát, trời rộng sông dài. Do đó tiếng gáy đầu đời này Tô Hoài gọi là: Dế mèn phiêu lưu ký.
Cuộc phiêu lưu của nhà văn bắt đầu từ cái ngôi làng Nghĩa Đô. Kể từ đó tới nay, đã nửa thế kỷ. Con dế hát ca cho đời xem chừng có khi lạc giọng, mặc dù đã đổi tông khá nhiều lần.
Thập niên 40, không phải chỉ một mình Tô Hoài muốn làm một con dế hát rong cho đời. Những người đồng trang lứa với ông trên nhiều bộ môn nghệ thuật họp lại như một ban hợp ca thời đại. Đó là những con người tiên phong của một xã hội đang khao khát sự thay đổi. Cái dòng thơ ngắn gọn, kiểu đường thi, cổ phong, đầy điển tích Hán. Cái hơi văn biền ngẫu cân nhắc, chữ đối chữ đó sau cùng, cũng như thơ, bị đời sống cuốn đi. Những con dế không thể tiếp tục chỉ đứng bên lề cuộc sống đấu tranh chung của dân Việt mà nghêu ngao thơ thẩn. Họ phải chọn cho mình một thế đứng nào đó, trong một đoàn thể nào đó. Giọng ca bây giờ không còn là của riêng họ, ít nhiều nó phải có hơi hướm của đoàn thể, do đó, trong đời sống, họ cũng bị ảnh hưởng bởi đoàn thể.
Mười năm sau, đoàn thể mà Tô Hoài cũng như phần đông những văn nghệ sĩ đồng trang lứa với ông góp mặt, đã thành công... một nửa. Người Pháp xuống tàu về nước, để lại một vết chém ngang lưng đất nước. Mới thành công một nửa mà máu đã chảy thành suối, xương đã cao thành gò. Nhưng, thành công một nửa thì không phải là là thành công. Giang sơn phải thu về một mối, tổ quốc phải là một. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Để cho có được điều quý giá này, chắc chắn máu phải chảy thành sông, xương phải cao thành núi. Còn những con dế, những con dế chỉ muốn hát rong cho đời, đã ứng phó thế nào trước những cơn ba đào của đời sống? Ðâu đâu cũng chỉ thấy biển máu và nước mắt. Có sá gì những giọt nước mắt của bất cứ ai trong những cuộc họp phê bình kiểm thảo nội bộ?
Nếu đời sống là một sân khấu, thì quyển sách của Tô Hoài chỉ là một góc nhỏ, thu nhiều những khuôn mặt và những tên tuổi. Tất nhiên là những tên tuổi lớn trong lãnh vực văn nghệ, sáng tác của họ không ít thì nhiều cũng đã tạo ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng. Một Nguyễn Bính sau khi Lỡ bước sang ngang gia nhập vào đoàn thể, đã thôi không còn làm những bài thơ tình, đã đi Nam Bộ kháng chiến, đã làm bài “Hành phương Nam,” đã tập kết ra Bắc sau 54. Trước khi đi Nam Bộ, Nguyễn Bính chơi thân với Tô Hoài. Khi ra lại Bắc, Tô Hoài đã là đảng viên lâu năm. Lúc gặp lại, hai bên vồn vã, nhưng Tô Hoài ghi trong truyện: “Duy có cung cách thì thưa gửi, báo cáo anh, đề nghị đồng chí lôi thôi quá...”
Thời đó ở ngoài Bắc, do ảnh hưởng của Trung Hoa, người ta đề ra khẩu hiệu: Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa, có lần đề nghị muốn vào Đảng với Tô Hoài, thì được trả lời: “Nói anh Trúc Đường làm đơn rồi hai đứa mình giới thiệu anh theo thủ tục.” Vốn bản tính hiền hòa, Nguyễn Bính tức, để bụng không nói. Trong thời gian này Nguyễn Bính ly dị với vợ, giữ được đứa con. Cảnh gà trống nuôi con nheo nhóc, nhất là với một ông bố thi sĩ, lại trong hoàn cảnh gạo châu củi quế. Có lần quá khổ, trong một lúc quẫn chí, lại rượu say ngà ngà, ông bố Nguyễn Bính bế con đi chơi thơ thẩn. Chợt một ý nghĩ thoáng qua đầu, người bố đưa đứa con cho một người đàn ông đang đi tới. Trở về nhà bố say nằm vật xuống. Khi nhớ lại thì thằng bé đã không còn nằm cạnh nữa. Theo Tô Hoài, thằng bé tên Hiền đã thất lạc cho tới ngày nay. Tô Hoài muốn viết truyện ngắn “Tên cháu là Hiền”, mấy chục năm mà không viết nổi. Bây giờ Nguyễn Bính đã chết quá lâu, cái truyện ngắn Tô Hoài định dùng như một lời nhắn tin đã không còn cần thiết. Mới đó mà đã hơn ba chục năm trời!
Nguyên Hồng, một tên tuổi lớn khác, trước khi gia nhập vào phong trào cộng sản, từng bị thực dân bỏ tù, lại vô sản chính hiệu, nên chẳng bao lâu sau khi gia nhập đã trở thành Tổng thư ký của báo Văn, tiếng nói chính thức của Hội Nhà văn, và cũng là cơ quan tuyên truyền chính thức của Đảng Cộng sản. Vụ Nhân văn- Giai phẩm nổ ra. Những cây bút chủ trương bị vây đánh tứ phía trên những tờ báo của Đảng, lại không mua được giấy để ra báo trả lời, bị phong tỏa kinh tế, nói cho đúng hơn bị bóp chặt bao tử. Nhân văn tất nhiên phải đình bản. Nhóm Nhân văn phân tán, lặn sâu vào những tờ báo của Đảng. Đột nhiên, báo Văn đi những bài gây khó chịu. Nguyên Hồng là Tổng thư ký của báo Văn cũng bị truy, phê bình là hữu khuynh, bị lũng đoạn. Nguyên Hồng từ từ, cẩn thận, trịnh trọng đặt tập báo trước mặt. Nguyên Hồng nói: “... Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm. Tôi bỏ hết sáng tác cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn lo con mọn, bỏ ăn, bỏ uống vì nó. Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng. Thế thì làm sao tôi có thể làm sai... Tôi không thể, tôi không thể...” Rồi Nguyên Hồng khóc nức nở, như một người bị đồng ốp.
Lúc đó ở miền Bắc, bầu không khí văn nghệ ngột ngạt, nghi kỵ giữa những người cầm bút. Theo dõi, tố giác, vu cáo nhau những điều không có thật, hay những điều chỉ nhỏ bằng cái móng tay được thổi phồng lên. Thậm chí Tô Hoài tiết lộ, đã có một nhà văn trẻ nuốt dao cạo tự tử. Chết rồi còn mất đảng tịch, có người thắt cổ. Nhóm Nhân văn bị truy nã đánh đuổi. Trần Dần cứa cổ mà không chết đến bây giờ vẫn còn sẹo, Phùng Cung bị tù biệt giam mười một năm, bị lao. Hoàng Cầm, Phan Khôi, Lê Đạt, Phùng Quán, Chu Ngọc, Hoàng Tích Linh, Trần Lê Văn... tan ra như những cánh bèo. Tới độ Nguyên Hồng không chịu nổi, bỏ về Nhã Nam, nơi mà trước kia trong thời kháng chiến, đã có dạo cơ quan của Nguyên Hồng trú đóng ở đó. Đó là nơi khỉ ho cò gáy, có điều, sau khi những người kháng chiến đóng ở đó thì làm gì còn khỉ với cò. Trước khi đi, Nguyên Hồng làm một bữa chả ram, nhân thịt là nhau bà đẻ, mời Tô Hoài tới ăn từ biệt. Trước khi ăn, Tô Hoài cho Nguyên Hồng coi một bài viết mới có liên quan tới cái không khí ngột ngạt này, sau khi xem Nguyên Hồng chửi: “... Tiên sư cha, thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không. Ông về Nhã Nam, ông đéo chơi với chúng mày nữa...”
Tất cả sách điện tử, ebook trên website TimSach.VN đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản
Thông báo: Do số lượng bot download quá nhiều, gây ảnh hưởng tới người dùng thực sự cần sách. BQT quyết định yêu cầu đăng nhập để tải sách về.
Các bạn chỉ cần đăng nhập là tải được sách với tốc độ cao.