Thái độ của người đời đối với Pushkin trải qua thời gian có nhiều thay đổi. Những người đương thời coi ông là nhà thơ tài năng, nhưng quyết không phải là thiên tài. Ivan Krylov và Vasily Zhukovsky được đánh giá cao hơn, còn Baratynsky và Vyazemsky được coi là ngang hàng.
Dưới thời Aleksandr (1799-1826), những người theo thuyết hư vô, đứng đầu là nhà phê bình văn học Dmitry Pisarev lên án Pushkin là kẻ vô chính trị, tụng ca "nghệ thuật vị nghệ thuật". Trong đám tang của nhà thơ Nekrasov, khi Dostoyevsky phát biểu rằng xét về tài năng, người quá cố có thể được đặt bên cạnh Pushkin, từ trong đám đông sinh viên, có người hô to: "Không phải bên cạnh, cao hơn, cao hơn!". Mayakovsky và các nhà thơ vị lai Nga năm 1915 kêu gọi "vứt bỏ Pushkin ra khỏi con tàu đương đại".
Ngược lại, những người bolshevik tuyên bố Pushkin là nhà cách mạng, bị giết hại theo lệnh Nga hoàng. Nhà thơ đoàn viên cộng sản Eduard Bagritsky viết: "Tôi cùng Pushkin đi dọc những chiến hào, bụng đói cồn cào, người đầy rệp, chân không giày dép".
Năm 1937, nhân nước Nga kỷ niệm 100 năm ngày mất của Pushkin, theo ý nguyện của lãnh tụ Stalin, Pushkin chính thức được coi là thần tượng. Dưới thời Xôviết, Hoàng Thôn, nơi Pushkin học ở trường trung học, được đổi tên thành Thành phố Pushkin.
Điều đó chẳng có gì khó hiểu.
Nhưng Bảo tàng hội họa phương Tây do Mạnh Thường Quân Yury Nechaev-Maltsev và nhà nghiên cứu nghệ thuật Ivan Tsvetaev thành lập 75 năm sau khi Pushkin qua đời, không hiểu sao cũng được đổi tên thành Bảo tàng mang tên Pushkin?