Nhà báo, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhớ lại: Hồi ở Quảng Ninh, tôi làm báo Vùng mỏ, theo dõi mảng công nghiệp. Lúc đó, báo chỉ có hai mảng chính là công nghiệp và nông nghiệp, tôi viết về công nghiệp vì nghĩ nó hợp với tạng của mình hơn.
Tuy vậy, trong quá trình đi làm báo tôi lại rất thích đến những di tích đền, chùa để tìm hiểu về văn hoá truyền thống của dân tộc. Ví dụ như có lần tôi ra Quan Lạn vì thấy bảo ở đó có đền thờ Trần Khánh Dư và đền thờ Lý Anh Tông. Tôi thuê thuyền ra rồi vào nhà dân tìm hiểu, ghi chép tư liệu. Thời đó ra đảo rất khó khăn. Tôi bị mấy anh ở hợp tác xã, dân quân theo dõi nghi ngờ là gián điệp. Tôi phải vội lên tàu vào đất liền. Về nhà, tôi viết bài báo phê bình lối làm ăn trì trệ của hợp tác xã đó. Còn những tư liệu về di tích thì tôi để đó chứ thời điểm ấy chúng tôi có viết cũng khó đăng.
Ông làm báo, viết văn, đồng thời là chuyên viên văn hóa nhiều năm tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong văn học, ông viết cả tiểu thuyết, ký, truyện ngắn, tiểu luận, tản văn, tiêu biểu là các tiểu thuyết về đề tài lịch sử như "Bão táp Triều Trần" (6 tập), "Tám triều Vua Lý" (4 tập) với 6.500 trang. Hai bộ tiểu thuyết chủ chốt của ông "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý" với hàng vạn trang viết tay chứa đựng biết bao tâm tư, thông điệp có ích tới bạn đọc, với Tổ quốc và nhân dân. Hai bộ tiểu thuyết trên cũng đã góp phần khơi nguồn sáng tạo cho các nhà văn thế hệ kế cận.